Trong page này, tôi sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi về guitar mà rất nhiều các bạn đang tự học guitar ngày nay đang gặp phải.
Tất cả thông tin trong page này đều mang quan điểm cá nhân, không mang quan điểm của học thuật. Nếu các bạn cần một cái gì đó chuyên sâu và mang tính trí tuệ hơn, thì các bạn có thể phải hỏi những thầy giáo trong nhạc viện, hoặc nghiên cứu thêm các tài liệu nhạc lý. Vì vậy mình chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân, cùng vốn hiểu biết hạn hẹp của mình trong này thôi nhé. Mọi thắc mắc các bạn cứ để lại comment ở dưới.
Cảm ơn các bạn đã luôn ủng hộ mình trong suốt thời gian qua !
1. Học guitar nên học gì trước tiên ?
– Tùy vào sở thích cá nhân của bạn. Bạn thích học cổ điển thì phải mua một đống sách cổ điển về mà tự cày cuốc lấy. Nhưng đa phần hiện nay mình thấy các bạn học guitar với mục đích ngắn hạn, đam mê không nhiều, nên chưa định hình được các bạn thực sự thích cái gì.
Nhưng cái gì cũng vậy, đều phải qua cơ bản trước, về nhịp, phách, cung, quãng, khoảng cách cao độ các nốt nhạc… Những kiến thức cơ bản trên các bạn đã được học ở lớp 6 và 7.
2. Có cần phải học nhạc lý không ?
– Rất cần. Không có nhạc lý các bạn sẽ không thể hiểu được tại sao lại như vậy, vì sao nghe được bài hát ở nhịp 2/4, 3/4 hay 4/4 … Nhưng các bạn chỉ cần biết ở một mức độ vừa đủ, không cần nhiều.
3. Làm sao để nghe biết được bài này ở điệu nào, nhịp nào ?
– Câu hỏi này liên quan tới cảm âm của mỗi người. Có người nghe qua một phát ra ngay, nhưng có người mò suốt cũng toàn sai bét. Nó giống như hỏi bạn: “Làm sao bắt trúng được quả bóng” vậy.
– Bạn sẽ phải luyện tập cho việc này, bằng cách nghe nhạc thật nhiều, và đầu tư thêm thời gian để chú ý tới nhịp và điệu của bài hát. Các clip của mình thời đầu đều đề cập rất rõ những câu hỏi này, các bạn có thể xem lại để tham khảo.
4. Âm giai là gì, tại sao nó lại quan trọng ?
– Các bạn có thể hiểu nôm na đại khái như sau: Âm giai là một chuỗi 8 nốt nhạc tăng/ giảm từ thấp lên cao và ngược lại, và có quy luật. Ví dụ âm giai của Đô trưởng (CMajor) sẽ có C D E F G A B C. Từ thằng C bên trái tới thằng C bên phải cách nhau một quãng 8.
– E và F chênh nhau nửa cung, B và C chênh nhau nửa cung, tương đương với 1 phím đàn trên Guitar chúng ta. Còn những thằng còn lại chênh nhau 2 phím đàn, tức là 1 cung.
– Âm giai quan trọng trong việc giúp bạn solo giai điệu, chơi fingerstyle tự chế theo cách của bạn, dò hợp âm cho bài hát.
5. Làm sao để dò hợp âm cho bài hát ?
– Các bạn có thể xem clip của mình dưới đây:
– Các bạn cần phải xác định được ca sĩ đang hát ở nốt nào, ít nhất là vậy, và phải đưa nó vào đàn guitar. Ban đầu các bạn sẽ thấy rất khó khăn cho việc này, nhưng rồi nếu các bạn tập trong một thời gian đủ lâu, sẽ thấy việc này bình thường như cân đường hộp sữa. Và lưu ý, các bạn dò ở trên 3 dây 1 2 3 là đủ rồi, khỏi dò mấy dây bass, vì tai chúng ta thường nghe các âm bass kém hơn các nốt ở dây trên cao. Đây là kinh nghiệm cá nhân của mình.
6. Làm sao để tạo intro cho bài hát ?
– Tạo intro cho bài hát có nhiều cách, như mình đã trình bày trong clip dưới đây:
– Các bạn sẽ thắc mắc, vì sao mình lại chế ra được? Trả lời: cái này dựa trên khả năng chơi fingerstyle của từng người mà có những kiểu chơi khác nhau. Những bạn nào quá phụ thuộc vào tab sẽ thầy lúng túng khi tab 1 đằng, người chơi một nẻo, hoặc hoang mang khi trên mạng quá nhiều tab, không biết phải chọn cái nào. Các bạn nên tự tập cách tạo intro từ bây giờ, từ hôm nay, và phải sử dụng thẩm âm của mình chính để nghĩ ra.
– Lưu ý: Intro, bridge hay outtro của các bạn tạo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dòng nhạc các bạn nghe.
7. Mơi đầu chơi đàn đau tay quá, làm thế nào để hết đau tay bây giờ… ?
– Ai mới đầu chơi cũng vậy cả bạn à. Cái giá phải trả khi các bạn chơi guitar là đầu tay trái sẽ chai cứng lại, không mềm mại như trước khi chơi guitar nữa. Các bạn sẽ phải đối phó với bệnh chuột rút tay trái khi chơi những hợp âm như F, Bb bấm ở dạng chặn đầy đủ. Mấy cái này … khó tránh khỏi. Trong khoảng nửa năm đầu sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất các bạn cần phải vượt qua, nhưng sau đó, nếu ai tập luyện có bài bản, đam mê, không ngại khổ, thì thấy cái chuyện đau tay muỗi !
8. Làm sao để chuyển hợp âm nhanh?
– Các bạn cần phải xác định một điều rằng, mới chơi thì không bao giờ chuyển hợp âm nhanh được. Mình cũng có hướng dẫn nhiều trường hợp, có người thì từ Am sang C khó chuyển, có người từ G sang D khó chuyển v.v… Nhưng tất cả đều được khắc phục trong 2 tháng các bạn chơi liên tục, và tập chuyển một cách có hệ thống. Các chuỗi hợp âm mình gợi ý như sau:
Ở dạng trưởng:
C Am F G
C G Am Em F C Dm G (chùm Canon)
C Em F G
Ở dạng thứ:
Am Dm G C Am Dm E7 Am (cái vòng này chơi được khối bài)
Am F C G (cái vòng này chơi bài Thu cuối hay Yên bình rất chuẩn)
Am Em F C Dm G Am E (cái vòng này chơi Forever của Stratovarius)
– Lời khuyên: các bạn nên tập thói quen bấm nốt bass trước, rồi mới lần lượt sắp xếp các ngón tay còn lại vào dang hình của hợp âm, thay vì bụp mẹ một cái vào hợp âm luôn, trông rất cục mịch và xấu.
9. Tại sao hát mãi không vào nhịp chuẩn của bài hát ?
– Các bạn có hay hát không, có hay đi karaoke không ? Nếu các bạn trả lời có, thì xong cái thứ nhất.
– Các bạn có dậm chân tạo nhịp khi chơi guitar không? Nếu không, thì bạn đang gặp vấn đề về nhịp khi kết hợp với đàn.
– Chơi guitar muốn tốt, các bạn nên có cái máy đếm nhịp (Metronome), nhưng đa số chúng ta sinh viên nghèo bỏ mẹ, tiền mua cái smartphone để sĩ diện còn không có huống chi là Metronome… Thành ra đành phải dùng dép tổ ong huyền thoại để làm nhịp thôi.
Các bạn cần phải lưu ý nhịp 4/4 , phách mạnh và nhẹ rơi vào đâu? 1 2 3 4 ? Mạnh vào 1, nhẹ vào 2 3 4
Còn 6/8? Mạnh rơi vào 1 và 4, nhẹ rơi vào … còn lại.
Khi hát, thằng viết hợp âm (như tớ ấy) đã cố tình viết hợp âm vào trước cái từ mà phách mạnh rơi vào, nên các bạn dựa vào đó để đập nhịp. Ví dụ nhé:
Có một con [C] đường mang tên là tình [Em] yêu
… thì chữ “đường” và phách ngay sau chữ “yêu” sẽ là phách mạnh, phang thằng BASS vào đó.
GUITAR 4
10. Tại sao mình bấm F hay Bb tịt hoài ?
– Vì tay bạn còn yếu lắm. Yếu ở đây không phải là bạn đấm thằng khác yếu, mà là cái lực ở cổ tay bạn, cộng tới cái lực phân phối đều lên từng ngón tay còn yếu.
– Lý do thứ 2: bạn bấm đã đúng tư thế chưa? Để ý rằng các ngón tay phải vuông góc với phím đàn, còn ngón trỏ (ngón 1) để chặn thì phải chặn đều các dây, không thiên vị cho thằng nào cả. Đây là mấu chốt vấn đề.
Ví dụ trong hợp âm Fa trưởng (F), nhiều bạn bấm chặn 2 dây bass mạnh kinh khủng, trong khi mấy dây 1 2 3 thì nhẹ hều, thành khi khi đánh, được mấy dây đầu nghe vang, mấy dây sau thì pẹp pẹp pẹp …
– Khắc phục: tập thêm nữa, khoảng vài tháng nữa.
11. Dò hợp âm chủ cho bài hát như thế nào ?
– Tìm xem nốt cuối cùng của bài hát rơi vào đâu. Ví dụ nó là La, thì bài hát có thể ở LA THỨ, hoặc LA TRƯỞNG. Nhiệm vụ của bạn là phang 1 trong 2 thằng vào, nghe thằng nào hợp hơn thì thằng đó là hợp âm chuẩn bài hát.
– Tìm dựa trên âm giai: bảo ca sĩ hát vài câu bất kỳ, ví dụ mở đầu, hoặc điệp khúc. Bạn phải đánh được ra những nốt mà ca sĩ hát, thể hiện nó lên trên đàn guitar. Cái này khá khó, mất rất lâu mới làm được. Mình mất khoảng … 3 năm. Tất nhiên, phương pháp này đòi hỏi bạn cần một chút kiến thức về âm giai.
12. Dò hợp âm cho cả bài hát như thế nào ?
– Sẽ mất khá nhiều thời gian, thế nên bạn nào chưa làm được, cứ từ từ. Thành công chỉ tới khi bạn kiên nhẫn và chủ động tìm tòi, học hỏi, thay vì gửi những cái message như “anh ơi dò giúp em bài này bài kia”…
– Bạn cần phải in lời bài hát đó ra giấy, nếu có điều kiện. Về kinh nghiệm của mình, mình sẽ chép tay bài hát đó.
– Sau khi xác định được hợp âm chủ đạo bài hát, bạn cần phải biết được sẽ có 5 hợp âm khác nhiều khả năng sẽ áp dụng trong bài. Ví dụ bài hát bạn chơi ở ĐÔ (C) hoặc La Thứ (Am), những hợp âm đi theo là C Dm Em F G Am. Nếu ở G hoặc Em sẽ là G Am Bm C D Em. Nếu bạn không hiểu tại sao, xem lại câu số 4 ở trên 🙂
– Việc tiếp theo là bạn phải lắp ghép chúng vào bài hát dựa trên giai điệu và nhịp phách. Nhớ là hợp âm thường sẽ được đặt ở đầu phách mạnh. Trước khi đọc tiếp, bạn cần có khái niệm về “1 3 5″, cấu tạo 1 hợp âm.
– Ví dụ bài “Hòn đá cô đơn”, câu đầu tiên: Đô Son Mi Rê Rê Rê Rê tương ứng với Có hòn đá cô đơn xa xăm, phách mạnh sẽ rơi vào “Có” và “Đơn”, tương ứng với Đô và Rê. Thằng đầu là [C], thằng thứ 2 là [G], vì C được cấu tạo bởi C E G và G được cấu tạo bởi G B D.
– Bạn sẽ hỏi là, Dm gồm D A F, cũng có D, sao không được chọn ? Vì đơn giản là nghe không hợp. Thử đánh mà xem 😉
13. Bắt đầu chơi Fingerstyle như thế nào ?
Trào lưu chơi solo fingerstyle nhem nhóm ở Việt Nam mình vài năm trở lại đây, thành một mốt thời thượng cho những ai bắt đầu tập chơi guitar. Bên cạnh việc các bạn có thể tự do thả hồn bay bổng theo những giai điệu tuyệt vời của bài hát, thì có một vài vấn đề phát sinh: bạn chưa đủ trình độ và kiên nhẫn để chơi. Mình chỉ có thể khuyên bằng việc các bạn bắt đầu luyện tập từ cổ điển, để nắm được lý thuyết cơ bản về âm nhạc, chuyển soạn, âm giai, chạy ngón… thay vì tập vẹt theo tab guitar pro. Sau 1- 2 năm, bạn có thể chuyển sang fingerstyle tùy theo độ tự tin của bạn.
Trên youtube, mình có đề cập những bài hát nên tập trước khi bước chân vào fingerstyle, bạn có thể tham khảo clip đó của mình.
14. Mình chơi guitar được nửa năm, nắm được các hợp âm cơ bản, thế tay cơ bản, quạt chả bá đạo… Mình nên tập gì tiếp ?
Cái vấn đề ở đây là định hướng của bạn thế nào ? Bạn yêu cổ điển, bạn chơi cổ điển. Bạn yêu độc tấu fingerstyle, bạn tập vẹt theo tab trôi nổi trên mạng. Bạn nghe rock, thích chơi điện, mua 1 bộ về tập lick lủng đủ kiểu… Thế giới âm nhạc có rất nhiều thứ bạn cần phải học. Nhưng hãy bắt đầu nghĩ xem mình thích chơi cái gì đã.
Sẽ có 1 số lớn chơi guitar chỉ đơn giản là thích tiếng đàn guitar. Các bạn có thể mở rộng vốn nhạc của mình ra bằng việc chơi những bài hát bạn yêu thích. Hợp âm và cách chơi có hết trên mạng, chỉ vài cú click chuột là có hết (chỉ là các bạn có chịu tìm hay không thôi).
Một số lớn khác chơi guitar phục vụ theo yêu cầu số đông. Sẽ là rất có lợi để bạn tán gái, hay làm tâm điểm đám đông, tạo mối quan hệ, hay đơn giản là thích cảm giác được nổi tiếng… Thế thì còn chờ gì nữa. mp3.zing.vn rồi tìm xếp hạng những bài hát Việt / UKUS đang hot tập thôi !
15. Tự học guitar như thế nào cho hiệu quả:
– Chủ động học hỏi. Giao lưu với những người giỏi hơn, tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm sinh viên.
– Mở rộng vốn nhạc. Nghe nhiều, tăng vốn hiểu biết về nhạc. Tập những bài khó, những kỹ thuật khó, như chạy ngón, tremolo, nail attack…
– Xem nhiều. Clip trên youtube về những nghệ sĩ guitar nổi tiếng thế giới và Việt Nam trình diễn để có cái nhìn bao quát về cách biểu diễn, có hiểu về các dòng fingerstyle. Nếu bạn nghe và đọc được những tài liệu bằng Tiếng Anh thì càng tốt.
– Tạo thói quen mỗi ngày cầm đàn nửa tiếng, còn hơn là không cầm đàn.
– Tự thu âm lại những bài mình đang tập, rồi up lên youtube để được ném đá bởi những người khác. Bạn đừng để ý những thanh niên rảnh rỗi comment bậy bạ, mà hãy nhìn vào những comment tích cực để tự hoàn thiện mình. Tự tin lên nhé !
– Khiêm tốn, kiên nhẫn, đam mê.